Xuất khẩu gạo và câu chuyện của ST25

Công ty TNHH BAO BÌ VIỆT HOA

Hotline: 0938 681 626

Xuất khẩu gạo và câu chuyện của ST25
Ngày đăng: 07/10/2022 08:41 AM

    Người viết vẫn còn nhớ câu nói của ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta trong lần trò chuyện về thị trường xuất khẩu nông, thủy sản rằng: “Cho dù dịch bệnh Covid-19 có hoành hành trên khắp thế giới đi chăng nữa thì người ta vẫn phải ăn để mà sống. Cho nên vấn đề của chúng ta là làm sao giữ vững được sản xuất tránh bị đổ gãy chuỗi cung ứng và nắm bắt tốt thị trường thì vẫn có thể tìm thấy cho mình cơ hội, kể cả ngay trong thời điểm khó khăn nhất”. Nhận định của ông Lực đã được ngành tôm và ngành lúa gạo của tỉnh minh chứng qua con số thống kê về sản lượng lẫn giá trị kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021. Ở đây, người viết chỉ xin điểm lại đôi nét về kết quả được xem là hết sức ấn tượng của ngành lúa gạo với con số kim ngạch xuất khẩu năm 2021 lên đến 190 triệu USD.

    Mục tiêu của Sóc Trăng trong những năm gần đây không nhằm vào con số sản lượng mà chủ yếu là tập trung nâng cao chất lượng để nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất cho nông dân. Mục tiêu đó đã được hoạch định từ rất sớm, ngay sau khi Sóc Trăng có được thành tựu nghiên cứu, lai tạo các giống lúa thơm, lúa đặc sản thích nghi với nhiều vùng thổ nhưỡng và có thể sản xuất quanh năm. Từ đây, Đề án Phát triển vùng sản xuất lúa thơm, lúa đặc sản của tỉnh cũng được ra đời và ngày càng được mở rộng. Diện tích, sản lượng, chất lượng lúa thơm, lúa đặc sản của tỉnh theo đó cũng lần lượt tăng lên qua mỗi năm, góp phần nâng cao giá trị lúa gạo của tỉnh.

    Tuy nhiên, phải đến khi giống gạo thơm ST24 lọt vào top 3 tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới và đặc biệt là sự kiện lên ngôi vương của giống ST25 vào năm 2019, ngành lúa gạo Sóc Trăng mới được các doanh nghiệp trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn. Cơn sốt gạo thơm ST25 liên tục tăng cao và tác động tích cực đến giá gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Đã có không ít thời điểm giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán cao hơn nhiều so với gạo Thái Lan hay Ấn Độ nhưng vẫn hút hàng. Giá gạo trong nước theo đó cũng tăng mạnh, kể cả một số thời điểm dịch Covid-19 còn bùng phát mạnh ở vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long.

    Trong năm 2021, dù phải hứng chịu không ít khó khăn do tác động của dịch Covid-19 gây gián đoạn chuỗi cung ứng lúa gạo trong một số thời điểm nhất định, nhưng sản lượng lúa của tỉnh vẫn đáp ứng mục tiêu đề ra khi đạt trên 2 triệu tấn, dù diện tích gieo trồng có giảm đi đôi chút. Điểm nổi bật là trong số hơn 2 triệu tấn lúa của năm 2021 có đến 1,53 triệu tấn lúa đặc sản, lúa chất lượng cao, chiếm 74,3% tổng sản lượng lúa của tỉnh. Còn nếu chỉ tính riêng lúa thơm, lúa đặc sản các loại, sản lượng cũng đã lên đến 1,1 triệu tấn, chiếm tỷ trọng 53,4%. Đây cũng chính là tiền đề, là điều kiện lý tưởng để các doanh nghiệp tiếp cận được với nhiều thị trường, đàm phán được giá xuất khẩu cao, góp phần mang lại giá trị kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 190 triệu USD ngoài mong đợi.

    Mục tiêu không tăng sản lượng mà tập trung nâng cao chất lượng, giá trị lúa gạo của tỉnh đã cho thấy tính đúng đắn và phù hợp với xu thế tiêu dùng trong nước và thế giới. Có thể nói, đến thời điểm kết thúc năm lương thực 2021 này, hầu hết các giống lúa cho năng suất, chất lượng và giá trị cao đều đã hiện diện trên khắp các vùng quê lúa của tỉnh. Từ những giống lúa đặc sản địa phương như: ST24, ST25, Tài nguyên Thạnh Trị, cho đến các giống lúa thơm, lúa đặc nhập nội như: Đài thơm 8, Nàng Hoa 9, RVT… đã được nông dân đưa vào sản xuất ngày một nhiều hơn, mang lại giá trị ngày một cao hơn trên khắp 3 vùng sinh thái: ngọt, lợ, mặn.

    Danh tiếng gạo thơm, gạo đặc sản của Sóc Trăng đã được định vị trên thị trường không chỉ góp phần giải quyết tốt khâu tiêu thụ mà còn giúp nâng cao giá trị cho lúa gạo địa phương. Tuy nhiên, cũng từ đây, chuyện làm hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, nguồn gốc… cũng lần lượt ra đời, gây rất nhiều khó khăn cho việc bảo vệ chất lượng và thương hiệu lúa gạo Sóc Trăng. Không nói đâu xa, giống gạo ST25 từ khi lên ngôi vương đến nay đã bị làm giả, làm nhái từ trong đến ngoài nước, gây bức xúc cho người tiêu dùng và chủ sở hữu và quan trọng hơn nó đã làm cho gạo ST25 không thể tham gia dự thi giải Gạo ngon nhất thế giới năm nay. Thiệt thòi cho đơn vị sở hữu, người tiêu dùng và nhà sản xuất là rất lớn, nên mới đây, Anh hùng lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua đã phải gửi đơn kêu cứu đến Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đề nghị được hỗ trợ bảo vệ thương hiệu tại thị trường Việt Nam.

    Trước đây, khi gạo ST25 vừa đạt giải gạo ngon nhất thế giới, người viết đã từng đưa ra nhận định rằng: “Từ thời điểm này trở đi, gạo ST25 đã không còn là chuyện của riêng ST25 hay của tỉnh nữa, mà là câu chuyện của thương hiệu gạo quốc gia”. Điều đó nay đã hiển hiện, nếu như các bộ, ngành và địa phương không quan tâm để chung tay bảo vệ cho được thương hiệu gạo ST25 thì tiếng tăm của ST25 sẽ mất dần ngay trên quê hương của nó. Hy vọng sau lá đơn cầu cứu của kỹ sư Hồ Quang Cua, tỉnh và các bộ, ngành Trung ương sẽ có hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để gạo thơm ST25 mãi được vươn xa, để xuất gạo của Sóc Trăng vẫn mãi là điểm sáng tăng trưởng trong cơ cấu giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

     

    Bao Bì Việt Hoa

    CÔNG TY TNHH BAO BÌ NHỰA VIỆT HOA

    Địa chỉ: 3433 Phạm Thế Hiển, Phường 07, Quận 08, TP. Hồ Chí Minh

    Điện thoại: 0938.681.626 - Fax:(028)39815021

    Email: nhuaviethoa@gmail.com

    MST: 0316626731

    GCNKD số: 0316626731 - Ngày cấp 11/12/2020

    (Nơi đăng ký Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM)


    Bộ công thương
    Copyright © 2020 Bao Bì Việt Hoa. Design NiNa Co.,Ltd
    Đang online: 15Tuần: 1299Tháng: 2708 Tổng kết: 748912
    0938 681 626 Chat Facebook Chat Zalo