Tỉnh An Giang dự kiến tăng cường các giải pháp cho sản xuất vụ Thu Đông 2022

Công ty TNHH BAO BÌ VIỆT HOA

Hotline: 0938 681 626

Tỉnh An Giang dự kiến tăng cường các giải pháp cho sản xuất vụ Thu Đông 2022
Ngày đăng: 01/11/2022 01:54 PM
    Responsive image
     

    Để đảm bảo tăng trưởng cho sản xuất vụ Thu Đông chung của tỉnh trong năm 2022, An Giang tăng cường các giải pháp, cụ thể như: Đối với cây lúa Các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông 2022 theo kế hoạch chung của tỉnh để tránh một số sâu, bệnh hại như: Rầy nâu, muỗi hành, bệnh đạo ôn, bệnh cháy bìa lá, bệnh lem lép hạt …do đó cần tập trung triển khai và thực hiện tốt Quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định số 73/QĐ-TT-VPPN ngày 25/4/2022 của Cục Trồng trọt; cần rà soát và đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng lúa (code) đối với các vùng đã có Hợp tác xã, Tổ hợp tác chưa có cấp mã số; tuyên truyền vận động nông dân tập trung, đồng loạt trên cơ sở số liệu từ hệ thống kê bẫy đèn để đảm bảo xuống giống phù hợp với khung lịch thời vụ chung của tỉnh nhằm né rầy, né mưa bão cuối vụ và vệ sinh đồng ruộng trước khi xuống giống; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình nguồn nước, mùa vụ sản xuất và thị trường.

    Về biện pháp canh tác cần khuyến cáo nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp - IPM; ba giảm, ba tăng; một phải, năm giảm (chú ý lượng giống gieo sạ từ 80 - 100 kg/ha), trong đó chú trọng áp dụng tốt giải pháp tưới nước tiết kiệm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh thái - trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn 40 ngày đầu sau sạ...tăng cường tuyên truyền hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng; Tăng cường các biện pháp giúp cây lúa khỏe như bổ sung vi lượng, phân bón có chứa canxi, silic…giúp cây lúa tăng tính chống chịu tự nhiên; Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện sớm, hướng dẫn nông dân xử lý các đối tượng dịch hại và có biện pháp ứng phó kịp thời để bảo vệ năng suất lúa tốt hơn; 

    Thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên nền đất trồng lúa đối với những tiểu vùng xuống giống muộn, nằm ngoài lịch khuyến cáo để tránh ảnh hưởng đến vụ Đông Xuân 2022 – 2023; Kiên quyết trong việc chỉ đạo xuống giống theo khung thời vụ quy định và theo thông báo xuống giống né rầy; thời gian xuống giống trên cùng 01 tiểu vùng không quá 07 ngày và không để nhiều trà lúa đan xen nhau; thời gian xuống giống không kéo dài quá 02 tháng mỗi vụ để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, muỗi hành (sâu năn) và các loài dịch hại khác gây ra;  Phối hợp các cơ quan thông tin truyền thông của địa phương kịp thời thông báo về tình hình diễn biến dịch hại, ảnh hưởng của mưa bão, ngập úng, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh và của địa phương, các biện pháp phòng chống dịch hại, biện pháp đối phó tình hình mưa bão để mọi người dân biết và chủ động tích cực thực hiện. 

    Đặc biệt, không xuống giống lúa vụ Thu Đông ở những vùng không có đê bao kiểm soát lũ triệt để; đối với các vùng đã xuống giống ngoài đê bao trong vụ Thu Đông, đề nghị các địa phương tổ chức bảo vệ ăn chắc các diện tích này. Phải tuân thủ khung lịch thời vụ theo khuyến cáo, né rầy, né lũ (nếu có), đảm bảo sản xuất vụ Thu Đông 2022 an toàn, hiệu quả.

    Responsive image
     

    Đối với cây rau màu thực hiện rà soát các vùng trồng rau màu tập trung trong đó đặc biệt là ớt và khoai lang tím để đề xuất Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng; Ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, thuốc Bảo vệ thực vật, kỹ thuật canh tác,... để tạo ra các sản phẩm rau, màu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng; Tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất các loại rau an toàn theo quy trình và tiêu chuẩn gắn với yêu cầu của doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng rau (code) theo nhu cầu đăng ký doanh nghiệp; Thành lập các Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn tại địa phương nhằm nâng cao chất lượng của sản phẩm rau màu và liên kết với các công ty, siêu thị…để tiêu thụ sản phẩm;  Quản lý tốt nguồn giống sạch bệnh cho sản xuất và theo dõi phòng chống hiệu quả bọ phấn trắng gây bệnh vi rút khảm lá khoai mì. Quản lý tốt sâu keo mùa thu gây hại trên cây bắp; Tổ chức, tập huấn, hội thảo ở các vùng rau, màu trọng điểm để hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng chất lượng, an toàn đáp ứng các tiêu chuẩn trong sản xuất; tập huấn, hướng dẫn nông dân sản xuất rau, màu trong nhà lưới, nhà màng nhằm hạn chế sâu bệnh và nâng cao chất lượng sản phẩm. 

    Giải pháp thực hiện hiệu quả cho cây ăn trái, các địa phương xúc tiến đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng (code) tại những nơi chưa có mã số vùng trồng; rà soát thay thế người đứng tên của các mã số vùng trồng, hướng dẫn thay đổi tên người đứng mã số trước đây khi cần thiết; tập huấn cho nhà vườn hiểu thêm về phương thức tiến hành cấp mã số vùng trồng phục vụ cho sản phẩm tiêu thụ tại các thị trường như: Mỹ, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc,… Tổ chức tập huấn cho nhà vườn, hợp tác xã hoặc tổ hợp tác với các nội dung sâu bệnh hại trên cây ăn trái, sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật và vệ sinh vườn bao bì, hướng dẫn ghi chép sổ tay nhật ký canh tác, tại các vùng trồng có gắn kết với doanh nghiệp;  Hướng dẫn nông dân cắt cành, tạo tán sử dụng các biện pháp kỹ thuật quản lý cây trồng trong mùa mưa bão nhằm hạn chế rụng trái và đổ ngã; Khuyến cáo nông dân hạn chế kích thích xoài cho ra hoa trái vụ từ nay đến cuối năm; trong đó, đối với cây xoài già nhiều năm tuổi khuyến cáo không nên kích ra hoa trái vụ mà cắt cành tỉa nhánh chăm sóc, phục vụ cho trái vào năm sau; Tăng cường các biện pháp kỹ thuật đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất cây ăn trái phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để bao tiêu sản phẩm, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

    Theo khung lịch thời vụ của Cục Trồng trọt cho khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và tình hình khí tượng, thủy văn; thời gian xuống giống theo từng tiểu vùng của vụ trước; diễn biến rầy nâu trên đồng ruộng, rầy nâu vào bẫy đèn trong và ngoài tỉnh. An Giang khuyến cáo khung lịch thời vụ xuống giống vụ Thu Đông 2022 trong toàn tỉnh bắt đầu từ ngày 15/07 đến ngày 31/8/2022 (nhằm ngày 17 tháng 6 đến ngày 5 tháng 8 năm 2022 âm lịch), bao gồm ba trà như Trà sớm diện tích xuống giống khoảng 9.000 ha tập trung tại các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và TP. Long Xuyên;  Đại trà diện tích xuống giống khoảng 134.000 ha tập trung tại 11 huyện, thị, thành và Trà muộn diện tích xuống giống khoảng 7.000 ha tại các vùng sản xuất lúa 3 vụ như Chợ Mới, Tân Châu, An Phú. Về Lịch xuống giống né rầy Trên cơ sở theo dõi diễn biến rầy nâu vào đèn trong và ngoài tỉnh, tình hình thu hoạch lúa Hè Thu 2022, lịch xuống giống đồng loạt, tập trung và né rầy chia làm 02 đợt dự kiến đợt 1 Xuống giống tập trung từ 19/7 đến 31/7/2022 (Nhằm ngày 21/6 – 1/7 AL năm Nhâm Dần), xuống giống tập trung ở những vùng thu hoạch Hè Thu sớm và đại trà với khoảng 50 ngàn ha tập trung tại các huyện Tri Tôn, An Phú, Tịnh Biên, Chợ Mới, Thoại Sơn và TP. Long Xuyên. Đợt 2 Xuống giống tập trung từ 16/8 đến 26/8//2022 (Nhằm ngày 19/7– 29/7 AL năm Nhâm Dần), xuống giống dứt điểm ở những vùng thu hoạch Hè Thu đại trà và muộn, gồm các huyện An Phú, Châu Phú, Phú Tân, Châu Thành, Chợ Mới, TX. Tân Châu và TP. Châu Đốc, Thoại Sơn với 60 ngàn ha. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các ngành chức năng tùy theo tình hình rầy nâu vào bẫy đèn ở từng địa phương mà có lịch xuống giống cụ thể nhưng phải tuân thủ lịch xuống giống đồng loạt, tập trung, né rầy và theo khung lịch thời vụ chung của tỉnh./.

    Bao Bì Việt Hoa

    CÔNG TY TNHH BAO BÌ NHỰA VIỆT HOA

    Địa chỉ: 3433 Phạm Thế Hiển, Phường 07, Quận 08, TP. Hồ Chí Minh

    Điện thoại: 0938.681.626 - Fax:(028)39815021

    Email: nhuaviethoa@gmail.com

    MST: 0316626731

    GCNKD số: 0316626731 - Ngày cấp 11/12/2020

    (Nơi đăng ký Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM)


    Bộ công thương
    Copyright © 2020 Công ty TNHH Bao Bì Việt Hoa. Design NiNa Co.,Ltd
    Đang online: 13Tuần: 7255Tháng: 37208 Tổng kết: 645325
    0938 681 626 Chat Facebook Chat Zalo